Chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả lĩnh vực, các cấp, các ngành, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp".

Theo tôi, để việc chuyển đổi số đạt kết quả, đầu tiên phải đào tạo, nâng cao chuyên môn về chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực cụ thể của từng cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước. Hiện nay, hầu hết các khóa đào tạo và cập nhật kiến thức về chuyển đổi số ở TP HCM đều chưa toàn diện và tổng quát, chưa cụ thể cho từng người tham gia. Hệ quả là hầu hết cán bộ, công chức khó hiểu được các yếu tố chuyển đổi số trong công việc của mình. Chuyển đổi số đã trở thành một từ thông dụng nhưng hiệu quả của nó còn hạn chế bởi một số người trực tiếp thực hiện chưa thực sự hiểu rõ vấn đề.

Tiếp đó, cần làm rõ mục tiêu của chính sách chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ trở thành gánh nặng cho ngân sách khi các biện pháp đề xuất mang tính bản địa hóa và tự phát, thay vì được lên kế hoạch kỹ lưỡng. Nếu các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số được thiết kế sai thì sẽ dẫn đến thảm họa tài chính.

Việc lập kế hoạch chuyển đổi số cần phải được thực hiện ở cả 2 cấp: cấp trung ương - nơi cung cấp những hướng dẫn cơ bản, và cấp địa phương - nơi cung cấp các dịch vụ công thực sự cần thiết. Đối với TP HCM, cần tiếp cận ở cấp địa phương, tức là tiếp cận từ bên dưới, bằng cách thử nghiệm các ứng dụng chuyển đổi số; chỉ triển khai quy mô lớn nếu thử nghiệm chứng tỏ được hiệu quả.

Cuối cùng là vấn đề bảo mật. Phần lớn chi phí và nguồn lực chuyển đổi số là cho các vấn đề ứng dụng và quản lý trước mắt, trong khi các vấn đề bảo mật lâu dài thường chưa được giải quyết. Đây là một vấn đề phức tạp và rất khó lập kế hoạch, ngay cả ở các nước phát triển. Do đó, để quá trình chuyển đổi số không gặp trục trặc vì vấn đề bảo mật, TP HCM cần cân nhắc kỹ yếu tố an ninh mạng và đầu tư vào quá trình bảo mật thông tin hệ thống ở toàn thành phố.